HƯỚNG DẪN XỬ LÝ, CHĂM SÓC TRẺ BỊ SỐT XUẤT HUYẾT

Theo thông tin từ Bộ Y Tế. tính từ đầu năm tới nay cả nước đã có gần 26.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 102 ca tử vong. Dù số ca sốt xuất huyết đang có xu hướng giảm nhưng tính tới hiện nay, số ca mắc đã tăng gấp 7 lần, số ca nặng tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Mùa mưa là thời điểm tốt cho sinh sôi nảy nở của muỗi, là tác nhân chính gây ra lan truyền virus khiến số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tăng lên. Những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện có xu hướng  gia tăng nhất là ở trẻ em.

Cần làm gì khi trẻ bị sốt xuất huyết?

Theo dõi sát thân nhiệt của trẻ, báo cho nhân viên y tế bất kỳ khi nào nếu nhận thấy trẻ sốt lên.

Phối hợp dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo hướng dẫn của nhân viên y tế, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt chứa Aspirin, Ibuprufen vì các thuốc này làm tăng nguy cơ gây xuất huyết.

Vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.

Dinh dưỡng: Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như: cháo, bột, sữa. Không cho trẻ dùng các loại thức ăn, nước uống có màu nâu/đỏ (coca, pepsi, dưa hấu, socola...) vì khó phân biệt khi trẻ có nôn ra máu.

Khuyến khích trẻ uống nhiều nước: nước đun sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh..) oresol, hydrit, hoặc nước cháo loãng...

Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ: Thay quần áo và tắm nhanh bằng nước ấm trong phòng tắm khi trẻ không sốt.

Dấu hiệu nguy hiểm khi trẻ bị sốt xuất huyết

Nên theo dõi sát tình trạng của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng để xử trí kịp thời: Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết ở trẻ em vào giai đoạn nguy hiểm thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, trẻ có xu hướng giảm sốt nhưng lại có các dấu hiệu nặng dưới đây thì cần nhập viện gấp:

  • Đột nhiên đau bụng, đau bụng vùng gan và cảm giác đau tăng dần.
  • Bồn chồn trong người, vật vã, li bì.
  • Số lần và số lượng đi tiểu giảm hơn.
  • Chảy máu bất kỳ chỗ nào: chân răng, mũi…, chảy máu niêm mạc, nội tạng.
  • Đi ngoài ra máu, nôn ra máu.
  • Giảm tiểu cầu nặng.
  • Da xung huyết, dễ bị bầm tím khi va đập.
  • Sốc giảm thể tích, xuất huyết nặng, suy đa cơ quan.

Những việc tuyệt đối không nên làm khi trẻ bị sốt xuất huyết:

  • Không nên cạo gió cho em bé vì có thể làm nặng hơn tình trạng xuất huyết. Đồng thời có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tại chỗ.
  • Không dùng nhóm thuốc hạ sốt ibuprofen hoặc aspirin vì các thuốc này có thể làm cho tình trạng xuất huyết nặng hơn.
  • Không tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con dùng vì bệnh này do virus Dengue gây ra. Dùng kháng sinh không những không hiệu quả mà còn làm nặng thêm tình trạng gan, thận. Còn có thể gây ra tình trạng kháng thuốc.
  • Tuyệt đối không đưa trẻ đi truyền dịch ở những cơ sở y tế không đảm bảo, các phòng khám tư nhân không đủ điều kiện làm thủ thuật.

Triệu chứng điển hình của sốt xuất huyết chính là sốt. Thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh diễn ra từ  ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 (tính từ lúc bắt đầu xuất hiện triệu chứng đầu tiên). Vì vậy nên đưa trẻ đi làm xét nghiệm sốt xuất huyết từ ngày thứ 3 bắt đầu từ khi xuất hiện cơn sốt đầu tiên. Tuy nhiên, trong đợt dịch sốt xuất huyết bùng phát thì bạn nên xét nghiệm sớm hơn: khoảng 24h - 48h sau khi xuất hiện cơn sốt đầu tiên. Hoặc tới Bệnh Viện Đa Khoa Hoà Bình để thăm khám kiểm tra xác định nguyên nhân sốt của trẻ, và xin ý kiến tư vấn từ các chuyên gia hàng đầu về nhi khoa.

☎ Để đặt lịch khám tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, quý vị có thể liên hệ ngay theo hotline 0976 091 115 hoặc đến trực tiếp cơ sở bệnh viện theo địa chỉ: 👇👇👇

=========================================================================

#Bệnh_Viện_Đa_Khoa_Hoà_Bình

🏥 Địa chỉ : Phố Phạm Xuân Huân, P.Hải Tân, Tp. Hải Dương

📞 Hotline : 0976 091 115/ 0964 283 097

🌐 Website:benhvienhoabinh.vn

📩 Email : [email protected]

Lưu ý: *Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Để biết thêm thông tin chi tiết và chính xác, vui lòng liên hệ 0976.091.115 hoặc 0976.091.115 để được tư vấn cụ thể.