NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ THUỐC KHÁNG SINH VANCOMYCIN TRONG ĐIỀU TRỊ

KHÁNG SINH VANCOMYCIN – CHỈ SỬ DỤNG KHI THỰC SỰ CẦN THIẾT

Vancomycin là thuốc được lựa chọn hàng đầu để điều trị nhiễm khuẩn Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA) – một trong những tác nhân gây nên biến chứng nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn thường gặp ở bệnh nhân hồi sức tích cực. Mặc dù vậy, việc lựa chọn vancomycin trong điều trị cần phải cân nhắc các yếu tố khác như:

1. Phạm vi chỉ định hẹp:

- Tiêu chảy, viêm đại đàng liên quan đến Clostridium difficile;

- Viêm đại tràng do tụ cầu, bao gồm cả MRSA;

- Viêm nội tâm mạc do tụ cầu;

- Các nhiểm khuẩn toàn thân do vi khuẩn Gram dương, bao gồm cả MRSA;

- Dự phòng nhiễm khuẩn phẫu thuật trên bệnh nhân có nguy cơ cao viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn trong các phẫu thuật lớn.

- Các phác đồ điều trị có liên quan.

Vancomycin không có hoạt tính in vitro đối với vi khuẩn Gram âm, Mycobacterium và nấm. Thuốc không phù hợp dùng đơn độc trừ khi đã xác định được tác nhân gây bệnh hoặc rất nghi ngờ rằng tác nhân gây bệnh có thể điều trị bằng vancomycin.

2. Thận trọng trong quá trình sử dụng:

Nhiều ADR thường gặp (từ 1% đến 10%): hạ huyết áp, khó thở, ban đỏ, phát ban, viêm niêm mạc, ngứa, mề đay, suy giảm chức năng thận,…

Phản ứng phản vệ và dị ứng: các phản ứng phản vệ nghiêm trọng có thể đe dọa tới tính mạng.

Giảm bạch cầu trung tính: có hồi phục, cần theo dõi số lượng bạch cầu của người bệnh dùng vancomycin kéo dài hoặc phối hợp dùng với các thuốc gây giảm bạch cầu.

Độc tính trên thính giác: có khả năng mất thính giác vĩnh viễn nếu sử dụng liều quá cao, đặc biệt khi kết hợp thêm các thuốc có cùng độc tính khác như kháng sinh aminoglycosid (JW Amikacin,…).

Phản ứng mụn mủ nghiêm trọng: Hội chứng Stevens – Johnson đã được ghi nhận trên bệnh nhân sử dụng vancomycin.

Phản ứng tại vị trí truyền: đau và viêm tắc tĩnh mạch có thể xuất hiện trên bệnh nhân truyền tĩnh mạch vancomycin và thường nghiêm trọng. Tổ thông tin thuốc khuyến cáo thay đổi vị trí truyền để giảm tần suất và mức độ nặng của các tác dụng phụ này.

Độc tính trên thận: Độc tính trên thận của vancomycin tăng khi nồng độ thuốc trong máu tăng hoặc sử dụng vancomycin kéo dài.

3. Lưu ý đặc biệt về đường dùng:

a) Dùng đường uống: Chỉ pha loãng dùng đường uống trong điều trị viêm đại tràng giả mạc gây bởi Clostridium difficile và viêm ruột do nhiễm khuẩn tụ cầu vì sinh khả dụng của đường uống thấp – dưới 5%.

b) Dùng đường truyền tĩnh mạch:

- Cần thận trọng trong quá trình sử dụng vì thuốc có thể gây hạ huyết áp quá mức (bao gồm cả sốc, thậm chí ngừng tim), phản ứng giống giải phóng histamin, phát ban dát sần hoặc ban đỏ. Để tránh các phản ứng này, cần pha loãng dịch truyền vancomycin (2,5 - 5,0 mg/ml) và truyền chậm trong 60 phút với tốc độ không quá 10 mg/phút.

- Bắt buộc hoàn nguyên lọ thuốc bột 1g vào 20ml nước cất pha tiêm để thu được dung dịch thuốc có nồng độ 50 mg/ml. Dung dịch hoàn nguyên tiếp tục được pha loãng vào NaCl 0.9% theo hướng dẫn sau:

Bảng hướng dẫn sử dụng thuốc bột vancomycin 1g.

Đường dùng

Cách pha

Tốc độ

Chú ý

Uống

Hoàn nguyên liều thích hợp với 30ml nước.

 

 

Có thể pha thêm siro, chất điều vị để dễ uống.

Truyền tĩnh mạch ngắt quãng

Pha loãng 20ml dung dịch hoàn nguyên trong 200ml hoặc 250ml hoặc 500ml NaCl 0.9%.

Thời gian truyền ≥ 100 phút.

tương đương tốc độ ≤ 40 giọt/phút.

Sử dụng ngay sau khi pha, có thể bảo quản ở 2-8°C trong 24h.

Truyền tĩnh mạch liên tục bằng bơm tiêm điện.

Pha loãng dung dịch hoàn nguyên (tổng liều theo ngày) vào thể tích NaCl 0,9% thích hợp đủ để nhỏ giọt trong vòng 24 giờ.

Truyền liên tục 24 giờ.

Có thể sử dụng dung dịch glucose 5% cùng thể tích để thay thế cho dung dịch NaCl 0,9% nếu cần thiết.

            4. Quy định quản lý nghiêm ngặt:

            Vancomycin là một trong các kháng sinh cần quản lý chặt chẽ thuộc nhóm 1 theo quyết định số 5631/QĐ-BYT của Bộ Y tế năm 2020 về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện”: “Nhóm 1 là các kháng sinh dự trữ, thuộc một trong các trường hợp sau: lựa chọn cuối cùng trong điều trị các nhiễm trùng nặng khi đã thất bại hoặc kém đáp ứng với các phác đồ kháng sinh trước đó; lựa chọn điều trị các nhiễm khuẩn nghi ngờ hoặc có bằng chứng vi sinh xác định do vi sinh vật đa kháng; là kháng sinh để điều trị các nhiễm khuẩn nặng do vi sinh vật kháng thuốc, có nguy cơ bị đề kháng cao nếu sử dụng rộng rãi, cần cân nhắc chỉ định phù hợp; kháng sinh có độc tính cao cần giám sát nồng độ điều trị thông qua nồng độ thuốc trong máu (nếu có điều kiện triển khai tại cơ sở) hoặc giám sát chặt chẽ về lâm sàng và xét nghiệm để giảm thiểu các tác dụng không mong muốn và độc tính.”

            Vì các lý do trên, tổ Thông tin thuốc nhấn mạnh chỉ sử dụng vancomycin trong những trường hợp thật sự cần thiết như nhiễm tụ cầu vàng, đã có kết quả kháng sinh đồ, đã có phác đồ điều trị,… Trong quá trình sử dụng cần chú ý đến tốc độ truyền cũng như các thận trọng khác (xem kỹ Hướng dẫn sử dụng).

 

Tài liệu tham khảo:

1. Tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm sản phẩm;

2. Dược thư Quốc gia Việt Nam 3;

3. Hướng dẫn sử dụng kháng sinh (ban hành kèm quyết định số 708/QĐ-BYT năm 2015, Bộ Y tế);

4. Hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện (ban hành kèm quyết định số 5631/QĐ-BYT của Bộ Y tế năm 2020);

5. Pubmed: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28573434/

Lưu ý: *Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Để biết thêm thông tin chi tiết và chính xác, vui lòng liên hệ 0976.091.115 hoặc 0976.091.115 để được tư vấn cụ thể.